Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng

Số người phải cưa chân sẽ giảm nếu có thông tin về gen



Một ngân hàng sinh phẩm, ngân hàng gen sẽ có giá trị vô cùng lớn trong việc dự đoán, phòng ngừa và điều trị bệnh – điều này đã được y học hiện đại thế giới khẳng định. Sự cần thiết phải có một ngân hàng gen ở Việt Nam được tái khẳng định trong Hội thảo về gen do Viện nghiên cứu Đinh Tiên Hoàng vừa tổ chức tối 2.11. Lấy ví dụ về bệnh tiểu đường tuýp 2, các chuyên gia khẳng định: “Nếu có thông tin về gen, số người bị cưa chân sẽ giảm rất nhiều so với hiện nay”.


PGS.TS Lê Bộ Lĩnh – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, GS Viện sĩ Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp hội các hội KH&KT Việt Nam, TS Nguyễn Văn Lạng – Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, GS. TS. Nguyễn Công Khẩn – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo thuộc Bộ Y tế, GS.TS Andres Metspalu – Giám đốc Trung tâm Gen Estonia cùng nhiều chuyên gia đã tham dự dự hội thảo này.


TS Nguyễn Văn Lạng điều hành phần thảo luận trong Hội nghị và Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về gen giữa Việt Nam với Estonia.


TS Nguyễn Văn Lạng điều hành phần thảo luận trong Hội nghị và Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về gen giữa Việt Nam với Estonia.


Trong lời phát biểu chào mừng, TS Nguyễn Văn Lạng – Chủ tịch Hội thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam – nhấn mạnh tầm quan trọng của gen trong y học nói riêng và trong y học nói chung “nhất là trong bối cảnh Việt Nam vừa đón công dân thứ 90 triệu và gần đây dư luận đang rất quan tâm đến vấn đề xác minh tính chính xác của các di hài liệt sĩ được tìm thấy đã cho thấy tầm quan trọng của gen trong y học nói riêng và trong nghiên cứu khoa học nói chung.


Tại Hội thảo, GS.TS Andres Metspalu đã khẳng định sự cần thiết của ngân hàng gen: “Gen cung cấp cho nghiên cứu khoa học cơ bản, phát triển y học cá thể, dự đoán bệnh tật, dự đoán khả năng điều trị của thuốc và thông qua gen có thể hiểu biết được lịch sử của mỗi dân tộc”.


GS Andres Metspalu cũng chia sẻ kinh nghiệm của Estonia trong việc xây dựng một ngân hàng gen trong đó nhấn mạnh tới các yếu tố như cơ sở pháp lý chặt chẽ và quy chuẩn đạo đức, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật hiện đại, tuyên truyền cho cộng đồng hiểu lợi ích và tính an toàn của ngân hàng gen, các nguồn tài chính và hỗ trợ trong việc xây dựng ngân hàng này và cuối cùng là hệ thống con người quản lý.


Theo thông tin từ GS Metspalu, Estonia  hiện đã có ngân hàng gen với 52.000 mẫu dữ liệu được lưu giữ hoàn toàn miễn phí, người dân không phải trả bất kỳ khoản chi phí nào cho việc lưu trữ này. Ông cũng cho biết, sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam xây dựng ngân hàng gen trong tương lai.


Kết thúc buổi Hội thảo, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng cùng TS Andres Metspalu – Giám đốc trung tâm gen Estonia đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên. GS Đặng Vũ Minh mong muốn “Viện Đinh Tiên Hoàng sẽ có nhiều thành tích trong nghiên cứu và hợp tác với nước ngoài. Hy vọng việc ký kết này sẽ mở ra quan hệ hợp tác mới giữa hai đơn vị nói riêng và giữa khoa học của Việt Nam với Estonia nói chung.


Xem chi tiết tại địa chỉ:  http://motthegioi.vn/ireport/nguoi-phai-cua-chan-se-giam-neu-co-thong-tin-ve-gen/


Theo nguồn motthegioi.vn

Các tin cùng chủ đề