Loãng xương, vấn đề lớn về sức khỏe ở Việt Nam: các yếu tố lối sống và các yếu tố quyết định khối lượng xương
TS. NGUYỄN THỊ THANH HƯƠNG, 2012
Bảo vệ luận án tại khoa Sức khỏe Phụ nữ và Trẻ em, Học viện Karolinska
Bài báo trích từ cuốn sách “Việt Nam - Thụy Điển: Những câu chuyện thành công trong 35 năm”
1. Đặt vấn đề
Mặc dù mức độ phổ biến của loãng xương và các yếu tố nguy cơ gây mật độ xương (MĐX) thấp đã được ghi nhận trong quần thể người da trắng và loãng xương với hệ quả của nó là gãy xương đã được công nhận là một vấn đề về y tế cộng cộng quan trọng trên toàn cầu nhưng hiện vẫn còn thiếu các dữ liệu từ Châu Á. Do mất xương xảy ra âm thầm và không có triệu chứng ban đầu nên loãng xương chỉ thường được chẩn đoán sau lần bị gãy xương lâm sàng đầu tiên (Unnanuntana và cộng sự năm 2010; Vestergaard và công sự năm 2005). Tuy nhiên, loãng xương và gãy xương có thể ngăn ngừa được nếu chúng ta có chẩn đoán sớm hoặc xác định được các yếu tố và đối tượng có nguy cơ cao.
Loãng xương thường là hệ quả tự nhiên của quá trình lão hóa đặc biệt ở sau tuổi 50. Sự già hóa dân số đang gia tăng nhanh ở Việt Nam với khoảng 9 triệu phụ nữ và nam giới ở độ tuổi trên 50 vào năm 2012 (tương đương với tổng số dân của Thụy Điển), đây là đối tượng cần quan tâm.
Loãng xương cũng thường được coi là hậu quả của công nghiệp hoá bởi tỷ lệ gãy xương do loãng xương ở các quốc gia đã công nghiệp hóa cao hơn so với nước đang phát triển (Lau và cộng sự năm 2001). Thậm chí, ngay trong một quốc gia, tỷ lệ bị gãy xương ở đô thị cao hơn so với cộng đồng nông thôn (Chevalley và cộng sự năm 2002; Madhok và cộng sự năm 1993; Mannius và cộng sự năm 1987; Sanders và cộng sự năm 2002). Do sự phát triển kinh tế trong thời gian gần đây, Việt Nam đã trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng và có một khác biệt rõ ràng giữa khu vực đô thị và nông thôn. Trong quá trình này, sự khác biệt về lối sống, chế độ ăn uống và thói quen làm việc cũng như sự tiếp xúc với không khí và môi trường ô nhiễm đã dần dần hình thành và phát triển giữa những người dân sống trong các điều kiện khác nhau. Do đó, các nghiên cứu về loãng xương ở các quốc gia đang phát triển mới nổi là yếu tố quan trọng giúp cung cấp thêm thông tin về sự phát triển của bệnh.
Ở Việt Nam, hiện nay vẫn còn thiếu kiến thức về sự lưu hành của loãng xương. Dữ liệu tham chiếu cho tuổi và giới cụ thể về khối lượng xương đỉnh và các yếu tố nguy cơ cho phép sàng lọc trong các quần thể nhất định cũng chưa có sẵn.
2. Mục tiêu và Phương pháp
Do đó, luận án được thiết kế để a) xác định ở mức độ nào thì loãng xương có thể được coi là một vấn đề về y tế công cộng lớn tại Việt Nam, b) làm rõ mức độ lưu hành của các yếu tố nguy cơ nhất định, như thiếu hụt vitamin D và các yếu tố quyết định về khối lượng xương khác làm nền tảng để xác định các đối tượng có nguy cơ cao ở nam và nữ người Việt Nam.
Các nghiên cứu lâm sàng được thiết kế theo phương pháp mô tả cắt ngang sử dụng chọn mẫu đa tầng. Trong các vùng ở miền bắc Việt Nam (21 độ vĩ Bắc), các quận huyện được lựa chọn để đại diện cho khu vực đô thị và nông thôn. Tổng cộng 612 phụ nữ và 222 đàn ông khỏe mạnh ở độ tuổi từ 13-83 đã được điều tra. MĐX được đo ở đốt sống thắt lưng, cổ xương đùi và toàn bộ vùng hông ở những đối tượng đạt đủ điều kiện bằng máy hấp thụ tia X năng lượng khép (DXA). Nồng độ trong huyết thanh của 25-hydroxy vitamin D (25(OH)D), hormone tuyến cận giáp, estrogen và testosterone được xác định bằng phương pháp định lượng miễn dịch điện hóa phát quang.
Dữ liệu về bệnh sử và lối sống cũng được thu thập thông qua phỏng vấn trực tiếp đối tượng. Một nghiên cứu thực nghiệm về lượng isoflavone ở những loại sữa đậu nành khác nhau cũng được thực hiện bằng phương pháp sắc kí lỏng áp lực cao.
3. Kết quả nghiên cứu
Luận án đã lần đầu tiên đưa ra được giá trị tham chiếu về MĐX đỉnh cho đối tượng nam và nữ giới Việt Nam. Những dữ liệu này cho phép tính toán T-scores và xác định chính xác bệnh loãng xương. Ở phụ nữ, giá trị MĐX đỉnh trong nghiên cứu tương ứng với những dữ liệu khác trên người châu Á nhưng mức độ lưu hành của loãng xương cao hơn và ngang với quần thể người da trắng. Ở đàn ông, MĐX đỉnh một hơi thấp hơn so với những quần thể người châu Á và người da trắng, nhưng mức độ lưu hành của loãng xương khá tương đồng. Khi xác định mật độ xương tại cổ xương đùi, tỷ lệ lưu hành của loãng xương ở phụ nữ là 17-23% và ở đàn ông là 9%. Có nhiều phụ nữ hơn (37-49%) có nguy cơ bị lún xẹp đốt xương thắt lưng và đau do hậu quả của loãng xương ở cột sống. Những dữ liệu này gợi ý rõ ràng rằng loãng xương là một vấn đề về sức khỏe cộng đồng quan trọng ở Việt Nam.
Những yếu tố dự báo mật độ xương có ý nghĩa ở nam giới là tuổi, BMI và nồng độ estrogen huyết thanh. Ở các phụ nữ sau mãn kinh, tuổi, cân nặng và khu vực sinh sống (nông thôn và thành thị) là những yếu tố dự báo quan trọng nhất. Những phụ nữ tiền mãn kinh sống ở thành thị bị loãng xương nhiều hơn những người ở nông thôn. Với phụ nữ nói chung, cả nồng độ estrogen và testosterone trong máu đều là những yếu tố quyết định quan trọng.
Nồng độ 25(OH)D trong huyết thanh có liên quan mật thiết với khối lượng xương ở cả nam và nữ. Tỷ lệ lưu hành của thiếu vitamin D (ngay cả khi sử dụng giá trị tham chiếu thấp 20ng/mL) rất cao, ước tính khoảng đạt mức 30% ở nam giới và 16% ở nữ giới. Phát hiện này có thể được giải thích một phần do việc ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời (ở người dân thành thị và trong mùa đông), đặc biệt ở phụ nữ trẻ dưới 30 tuổi.
Tổng thành phần isoflavone trong các loại sữa đậu nành khác nhau đều ở mức thấp, khoảng 60 – 80mg/L, và chỉ có khoảng 10 – 20% aglycones có hoạt tính sinh học, thấp hơn nhiều ngưỡng được báo cáo có thể gây ra hiệu quả rõ rệt lên xương. Như vậy cần phải uống vài lít sữa đậu nành một ngày mới đạt được hiệu quả bảo vệ.
4. Tác động của nghiên cứu
Nghiên cứu này có những đóng góp quan trọng trong việc cải thiện hiểu biết về loãng xương ở nam giới và nữ giới Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên dữ liệu có giá trị về mật độ xương đo bằng DXA cho cả hai dòng máy Hologic và Lunar được cung cấp, từ đó cải thiện độ chính xác trong chẩn đoán loãng xương và kiểm soát hậu quả loãng xương trên lâm sàng.
Đây là một trong những nghiên cứu lớn nhất về sự liên quan giữa tình trạng vitamin D và các hormone sinh dục steroid với MĐX ở quần thể người châu Á. Các dữ liệu lâm sàng bao gồm cả nam giới và nữ giới trong khoảng tuổi rộng từ 13 đến 83, được tuyển chọn ngẫu nhiên từ vùng thành thị và nông thôn, theo một kế hoạch tuyển chọn chặt chẽ. Điều này cho phép ta so sánh mối quan hệ giữa các hormone sinh dục, nồng độ vitamin D và MĐX trong các nhóm tuổi khác nhau. Kết quả có thể được khái quát hóa cho cả vùng nông thôn và thành thị, ít nhất là tại miền Bắc Việt Nam.
Thành phần aglycone trong sữa đậu nành trên thị trường được xử lý bằng HPLC, đây là một kĩ thuật có chất lượng và độ nhạy cao. Kết luận các sản phẩm sữa đậu nành trên thị trường chứa hàm lượng aglycone thấp không có xu hướng thay đổi. Do đó, trừ khi có một sản phẩm mới ra đời, chiến lược khuyến khích người dân uống sữa đậu nành sẽ chỉ có tác động nhỏ lên việc ngăn ngừa loãng xương.
5. Tiềm năng trong tương lai
Trong tương lai, những dữ liệu trên sẽ có tác dụng như một cơ sở tư liệu có giá trị nhằm chẩn đoán loãng xương và kiểm soát hậu quả loãng xương trên lâm sàng. Sự phổ biến của tình trạng thiếu vitamin D có thể giúp nâng cao nhận thức về những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể gặp phải, thí dụ như loãng xương, cũng như các bệnh nghiêm trọng khác trong cộng đồng người Việt Nam.
Nồng độ estrogen rất quan trọng với khối lượng xương ở cả nam và nữ giới. Trong thực hành lâm sàng, cả hai hormone sinh dục, estrogen và testosterone nên được nghiên cứu ở cả bệnh nhân nam và nữ bị loãng xương. Đối với cộng đồng, nên đưa ra các thông tin về mối quan hệ giữa các nguy cơ có thể xảy ra với sự suy giảm nồng độ hormone sinh dục, ví dụ như hút thuốc lá.
Những người dân ở nông thôn có khối lượng xương tốt hơn so với những người ở thành thị. Vì vậy, cần khuyến khích lối sống khỏe mạnh như ở một số cộng đồng nông thôn, ví dụ như cần nhấn mạnh tầm quan trọng của dinh dưỡng hợp lý, hoạt động thể lực vừa phải và môi trường không ô nhiễm.
Nên đầu tư thêm vào các sản phẩm sữa đậu nành nhằm cải thiện thành phần aglycone để ngăn chặn loãng xương.
Toàn bộ bài báo trích trong cuốn sách “Việt Nam – Thụy Điển: Những câu chuyện thành công trong 35 năm”, vui lòng xem thêm tại ĐÂY
Toàn văn luận văn của TS. Nguyễn Thị Thanh Hương vui lòng xem thêm tại ĐÂY