Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng

Tránh nắng có thể dẫn tới loãng xương



Loãng xương là bệnh phổ biến ở phụ nữ Việt Nam cũng như ở phụ nữ châu Âu và mặc dù có lượng ánh nắng mặt trời mạnh, sự thiếu hụt vitamin D là một vấn đề nghiêm trọng.  Những khám phá này đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Hương trình bày trong luận án tiến sĩ mà cô bảo vệ tại Học viện Karolinska, Stockholm.  Nhờ có chương trình nghiên cứu của SIDA, cô mới có thể luân phiên thực hiện được nghiên cứu luận án tiến sĩ giữa khảo sát thực địa ở Hà Nội với những thí nghiệm và những nghiên cứu có chuyên gia hướng dẫn ở Stockholm.

 

 “Tại sao tỷ lệ loãng xương lại rất cao trong phụ nữ Việt Nam? Chúng tôi ăn rất nhiều đậu phụ cũng như uống sữa đậu nành hàng ngày?”

 

Đó là câu hỏi mà nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Hương đã đặt ra cho bản thân khi cô thấy kết quả của nghiên cứu cấp quốc gia đầu tiên được tiến hành để đo mật độ xương trong quần thể người Việt Nam. Tổng cộng 222 nam giới và 612 nữ giới đã được xét nghiệm và kết quả là đáng lo ngại: gần như cứ 4 phụ nữ trên 50 tuổi thì có một người bị loãng xương (bệnh giòn xương) ở phần đầu xương đùi và khi xét nghiệm ở cột sống thắt lưng, xấp xỉ 50% phụ nữ bị loãng xương. Bệnh phổ biến hơn sau thời kỳ mãn kinh do sự suy giảm lượng oestrogen trong cơ thể.

 

Các sản phẩm từ đậu nành có chứa phytoestrogens, một chất nguồn gốc thực vật tương tự với oestrogen của cơ thể người. Mặc dù đậu nành là một thức ăn thường ngày của nhiều người Việt Nam, nghiên cứu của cô Nguyễn Thị Thanh Hương cho thấy hàm lượng phytoestrogens trong đó rất thấp nên điều đó không thể được coi là một yếu tố bảo vệ chống loãng xương. Phòng ngừa bệnh là rất quan trọng không chỉ từ góc nhìn về mặt sức khỏe mà nó còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế lâu dài của quốc gia.

 

Vitamin D là một chất quan trọng khác trong bối cảnh này do vai trò của nó trong hấp thụ canxi và dự trữ canxi trong xương. Ở một quốc gia có lượng ánh sáng mặt trời mạnh và nhiều, việc tạo thành vitamin D của cơ thể đáng lẽ phải được đảm bảo. Tuy nhiên nghiên cứu thứ 2 do TS Hương thực hiện đã cho thấy một phát hiện đáng báo động: xấp xỉ 30% nữ giới tuổi từ 13 đến 83 có sự thiếu hụt vitamin D và đối với nữ giới dưới 30 tuổi, con số này lên đến 50%. Thực sự đây là một vấn đề sức khỏe quốc gia, nhưng tại sao điều này có thể xảy ra?

 

"Quan niệm về cái đẹp của người phụ nữ với làn da trắng mạnh mẽ đến mức phụ nữ, đặc biệt là ở thành thị, tìm mọi cách để tránh nắng. Họ mặc những chiếc áo, quần chống nắng đặc biệt và cả khẩu trang để bảo vệ. Tôi đã bắt đầu phổ biến những kết quả của tôi tại các hội nghị và trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng cường nhận thức về những vấn đề với thiếu vitamin D và tầm quan trọng của việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời", dẫn lời cô Nguyễn Thị Thanh Hương.

 

Dự án nghiên cứu của cô về loãng xương bắt đầu khi một nhóm các giáo sư từ học viện Karolinska (KI) đến thăm trường Đại học Y Hà Nội (HMU). Người giảng viên trẻ Nguyễn Thị Thanh Hương đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ cho ý tưởng của cô về một dự án nghiên cứu và cô đã đến Stockholm và học viện Karolinska vào năm 2003. Ba năm sau đó, cô bắt đầu nghiên cứu của mình và đến năm 2012, cô đã trình bày luận án của mình và nhận được bằng tiến sĩ.

 

35 năm hợp tác nghiên cứu

 

Sự hỗ trợ của dự án SIDA dành cho học viên sau đại học là một phần quan trọng trong quá trình 35 năm hợp tác nghiên cứu với Việt Nam. Với mục đích xây dựng năng lực nghiên cứu cho quốc gia, vấn đề trung tâm là tạo được sự tham gia của chính các trường đại học trong nước bằng cách sử dụng mô hình có tên gọi “sandwich”. Học viên luân phiên ở Việt nam và Thụy Điển với những người hướng dẫn ở các học viện của cả 2 quốc gia. Nghiên cứu tập trung vào các vấn đề tồn tại ở quốc gia đuợc nhận hỗ trợ và các trường đại học của Thụy Điển sẽ hỗ trợ với các chuyên gia và môi trường nghiên cứu được trang bị đầy đủ.

 

"Nếu không có sự hỗ trợ từ dự án SIDA và học viện Karolinska, nghiên cứu của tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tôi sẽ không được tiếp xúc với các chuyên gia sẽ cho tôi những lời khuyên và hướng dẫn hay giúp tôi viết bài báo khoa học cho tạp chí y khoa; ở Việt Nam, chúng tôi không có những trải nghiệm như thế", dẫn lời cô Nguyễn Thị Thanh Hương

 

Một lợi ích khác từ sự hợp tác Hà Nội và Stockholm là cô có thể ngay lập tức áp dụng những điều học được khi trở về Việt Nam và chia sẻ những kiến thức đó với các đồng nghiệp và sinh viên của mình.

 

Nhưng điều cô tâm đắc nhất về mô hình của Thụy Điển là khả năng dung hòa cuộc sống gia đình với công việc nghiên cứu. Với 2 con nhỏ ở nhà, việc dành 5 năm ở nước ngoài lẽ ra là điều không thể đối với cô.

 

"Điều này đã cho phép tôi thực hiện nghiên cứu luận án tiến sĩ đồng thời vẫn chăm sóc cho gia đình, một điều cực kỳ quan trọng đặc biệt là đối với phụ nữ. Và sự nghiệp nghiên cứu của tôi chỉ vừa mới bắt đầu", cô cười nói.

 

Thông tin: hợp tác nghiên cứu với Việt nam

Sự tài trợ từ dự án Sida trong 35 năm của chương trình nghiên cứu tổng cộng lên đến 341 triệu SEK (Cu-ron Thụy Điển), và được thực hiện trong 3 giai đoạn.

Tổng cộng 92 tiến sĩ và 99 thạc sĩ đã được đào tạo tại những trường đại học danh tiếng, Học viện Karolinska (KI), Đại học khoa học nông nghiệp Thụy Điển (SLU) và Đại học Umeå (2011). 53 học viên đã bảo vệ luận án tiến sĩ tại các trường đại học của Thụy Điển. Sự hỗ trợ còn dành cho trang thiết bị phòng thí nghiệm, thư viện, các cuộc họp, các khóa học và hội thảo.

Mục tiêu của nghiên cứu là đóng góp cho việc giải quyết các vấn đề thích đáng ở Việt Nam, cụ thể là trong các lĩnh vực y tế, phát triển nông thôn và công nghệ sinh học.  Điều này góp phần cho chiến dịch dài hạn về xóa đối giảm nghèo khi đất nước phát triển và người dân có cuộc sống tốt hơn.

Tăng khả năng làm nghiên cứu còn tạo ra sự tăng trưởng kinh tế bằng việc phát triển những sản phẩm mới và tạo ra việc làm.

Nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương về loãng xương

Các nghiên cứu của TS Hương tại học viện Karolinska giúp cô nhận ra tầm quan trọng của làm việc nhóm. Trở về Việt Nam, cô đã gây dựng một nhóm nghiên cứu của riêng mình. Hiện nay, nhóm có 51 thành viên và rất nhiều người trong số họ là những nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp đang thực hiện những dự án nghiên cứu của riêng mình.

Tham khảo tóm tắt nghiên cứu của cô Nguyễn Thị Thanh Hương về loãng xương

 

Bản đầy đủ tại ĐÂY

 

Các tin cùng chủ đề