Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng

Đồng hành cùng hội thảo về nghiên cứu và phát triển sản phẩm dược liệu tại Thừa Thiên Huế 


Ngày 25/04/2023, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội thảo khoa học “Hợp tác nghiên cứu, phát triển các sản phẩm dược liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” với mục tiêu bàn luận các giải pháp phát huy tiềm năng tài nguyên dược liệu, giải pháp hợp tác trong nghiên cứu, xuất khẩu sản phẩm dược liệu tại địa phương. Với vai trò Trưởng làng công nghệ Dược liệu sạch Quốc gia và Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng, TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hương đã tham gia tham luận tại hội thảo với chủ đề về kết nối hợp tác phát triển sản phẩm dược liệu gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đề xuất giải pháp cho Thừa Thiên Huế.


Hội thảo khoa học “Hợp tác nghiên cứu, phát triển các sản phẩm dược liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” được Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Làng công nghệ Dược liệu sạch Quốc gia và các chuyên gia về dược liệu nước CHLB Đức hướng tới mục tiêu thực hiện đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030”. Cụ thể, hội thảo được chủ trì bởi TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng làng công nghệ Dược liệu sạch quốc gia, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng; TS. Stefan Seiberling, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, Trường Đại học Greifswald, CHLB Đức. Đồng thời cũng có sự tham gia của các chuyên gia về dược liệu trên địa bàn tỉnh và nước CHLB Đức, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành và đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược liệu trên địa bàn tỉnh.

 TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng Làng Công nghệ Dược liệu sạch quốc gia, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng chủ trì Hội thảo


Đánh giá cao Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh bám sát và đã triển khai rất sớm các Nghị định của Chính phủ, TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Hương - Trưởng Làng Công nghệ Dược liệu sạch quốc gia, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng cho biết, các vùng dược liệu trên địa bàn tỉnh tuy còn nhỏ nhưng đã đi đúng hướng đề ra. Tuy vậy, bài toán phản ánh thực tế rằng việc trồng thành công dược liệu nhưng đầu ra còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là nguyên liệu thô. Theo TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Hương, bài toán tiếp theo cần nghiên cứu phát triển ra các sản phẩm dược ở mức cao hơn, tiến tới mang thương hiệu quốc gia có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và trên thế giới.

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng tham gia tham luận

 

 “Hiện nay chính sách quốc gia ưu tiên phát triển cây dược liệu cũng như định hướng nghiên cứu và phát triển để tạo ra các sản phẩm độc đáo với giá trị kinh tế cao phục vụ thị trường thế giới đã sẵn sàng. Địa phương đã có kế hoạch triển khai nhưng để thành công cần kết nối sâu rộng để tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng quốc tế và theo chuỗi giá trị để ra đến sản phẩm cuối cùng. Theo đó, cần kết nối giữa các vùng nguyên liệu với nhau để có một tiêu chuẩn, chất lượng đồng đều và tránh phá giá thị trường; kết nối với các nhà khoa học để liên tục nghiên cứu và phát triển đáp ứng nhu cầu thị trường; đồng thời kết nối với các doanh nghiệp góp phần đa dạng thị trường, kênh phân phối theo hướng tiếp cận “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn”, TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Hương chia sẻ.

Ngoài ra, hội thảo còn diễn ra sôi nổi với các đề tài tham luận về tiềm năng và nhu cầu phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế của TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. TS. Stefan Seiberling, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, Trường Đại học Greifswald, CHLB Đức cũng đã đóng góp bài tham luận: Giới thiệu một số mô hình đổi mới sáng tạo trong phát triển sản phẩm dược liệu xuất khẩu, TS. Ngô Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn quản lý tài nguyên tham gia với tham luận với nội dung giới thiệu Quy hoạch phân vùng phát triển dược liệu ở Thừa Thiên Huế,  ThS. Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm với tham luận: Phát triển dược liệu dưới tán rừng gắn với sinh kế và bảo vệ tài nguyên rừng, TS. Phạm Thành, CEO Công ty TNHHMTV Nông lâm nghiệp Hương Cát tham gia với tham luận: Định hướng phát triển sản phẩm từ cây sâm cau.

Các đại biểu tham gia Hội thảo


Với nguồn lực mạnh mẽ về nhân lực từ Hội đồng đạo đức nghiên cứu trên động vật thực nghiệm và trên người và nguồn lực về cơ sở vật chất từ Labo nghiên cứu trên động vật thực nghiệm, Viện Nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ cho các nghiên cứu, kết nối của tỉnh Thừa Thiên Huế để có thể khai thác và phát triển tối đa sản phẩm dược liệu tại địa phương.

Các tin cùng chủ đề