Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng

Seminar "Bệnh đái tháo đường và cơ chế sinh học phân tử"


Chiều ngày 5/5/2015, Viện Nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng đã phối hợp với Bộ môn Sinh lý học (Đại học Y Hà Nội) và Hội Sinh lý học Việt Nam tổ chức sinh hoạt khoa học chuyên đề "Bệnh đái tháo đường và cơ chế sinh học phân tử". Chủ trì buổi sinh hoạt là GS.TS. Phạm Thị Minh Đức, Phó chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội Sinh lý học Việt Nam; GS.TS. Đào Văn Phan, nguyên trưởng Bộ môn Dược lý; PGS.TS. Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa, Trương Đại học Y Hà Nội.

 

Đến dự có GS.TS. Tạ Thành Văn - phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội; TS. Nguyễn Văn Lạng - nguyên thứ Trưởng Bộ khoa học và Công nghệ, cố vấn Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng; BS. Hà Việt Trung - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng; các thầy cô, anh chị là lãnh đạo, ủy viên BCH Hội Sinh lý học Việt Nam, thành viên Hội Sinh lý học Việt Nam từ Học viện Quân y; Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Dược Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học KHKT và Y tế Hải Dương, Đại học Y Dược Thái Nguyên, ... các thầy cô, các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội, Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng, Viện nghiên cứu Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các Viện, Bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Buổi sinh hoạt khoa học còn thu hút được sự quan tâm và tham dự của đông đảo học viên sau đại học và sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội.

 


Buổi sinh hoạt khoa học mở đầu với phần trình bày Chuột chuyển gen: nguyên lý và ứng dụng trong nghiên cứu y học của TS. BS. Nguyễn Huy Bình, cán bộ Bộ môn Sinh lý học Đại học Y Hà Nội. Sử dụng động vật chuyển gen để đánh giá vai trò của một gen là một mô hình nghiên cứu khá phổ biến trên thế giới, trong đó được ưa chuộng nhất là chuột chuyển gen. Theo TS. Bình và các ý kiến đóng góp tại hội trường, việc học tập và ứng dụng mô hình nghiên cứu trên động vật chuyển gen tại Việt Nam là cần thiết để theo kịp xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, đây là mô hình có giá thành cao, đòi hỏi nước ta phải tính toán kỹ lưỡng trong việc lựa chọn hướng đi phù hợp với điều kiện tài chính và kỹ thuật ở Việt Nam.

 

Phần tiếp theo của buổi sinh hoạt là bài thuyết trình của TS.BS. Nguyễn Khánh Hòa, Khoa Nội và Sinh lý - Bệnh học, Trường Đại học Manitoba, Winnipeg, Canada về một nghiên cứu trên chuột chuyển gen: Vai trò của IGFBP3 trong điều hòa nồng độ đường huyết. Bài báo cáo chuyên sâu của TS. Hòa đã minh họa rõ hơn phần trình bày của TS. Bình, đồng thời làm sáng tỏ một số cơ chế phân tử trong điều hòa đường huyết, mở ra nhiều hướng đi mới trong nghiên cứu và điều trị bệnh đái tháo đường.

 

Sau giờ nghỉ giải lao, chương trình tiếp tục với phần báo cáo Vai trò mới của Bifidobacterium spp.Trong sự cải thiện kháng insulin và con đường tín hiệu dẫn truyền insulin của TS. Lê Thị Kim Chung – nhóm nghiên cứu Tiểu đường - Béo phì và các bệnh chuyển hóa, Viện Nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy giống vi khuẩn Bifidobacterium có tác dụng giảm tình trạng kháng Insulin trên động vật thực nghiệm và tiềm năng ứng dụng một số loài thuộc giống này trong sản xuất thực phẩm cho bệnh nhân đái tháo đường.

 

Cuối cùng là phần trình bày của Ths. Phạm Trần Phương – nhóm nghiên cứu về Tiểu đường - Béo phì và các bệnh chuyển hóa, Viện Nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng – về Liên quan giữa gen FTO và bệnh đái tháo đường týp 2 ở người Việt Nam. Gen FTO từ lâu đã được biết đến có mối liên quan đến một số bệnh mạn tính không lây, trong đó có đái tháo đường typ 2 và bài báo cáo của Ths. Phương đã làm rõ phần nào mối liên quan này trên quần thể người Việt. Nghiên cứu này đã nhận được một loạt các câu hỏi liên quan đến thiết kế nghiên cứu, tính ứng dụng trên lâm sàng; đây cũng là nghiên cứu mở đầu tại Việt Nam gợi ý gen FTO có thể là một gen quan trọng liên quan đến nhiều bệnh chuyển hóa khác. Phần thảo luận giữa các báo cáo viên với chủ tọa và các thành viên tham dự rất sôi nổi và hấp dẫn, để lại nhiều câu hỏi gợi mở cho những người trong cuộc tiếp tục suy nghĩ về các hướng nghiên cứu trong thời gian tới.

 

Chi tiết xin mời các bạn xem tại đây.

Các tin cùng chủ đề