Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng

Sinh hoạt chuyên đề: Gen, tập luyện và sức khỏe

 

Chiều thứ tư, 13/11, tại hội trường quốc tế trường Đại học Y Hà Nội đã diễn ra buổi Seminar Y học do Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng phối hợp với Bộ môn Sinh lý học Đại học Y Hà Nội tổ chức. Chủ đề buổi Seminar là: “Gene, sức khỏe và luyện tập”, do giáo sư Carl Johan Sundberg, bộ môn Sinh lý học và Dược học viện Karolinska Thụy Điển trình bày. Tham dự buổi Seminar còn có các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên trong chuyên ngành sinh lý học của các Trường Đại học tại Hà Nội, chuyên ngành sinh học của Viện Vệ sinh dịch tễ và chuyên ngành sinh lý bệnh.

 


Giáo sư Carl Johan Sundberg thuyết trình về gene và hoạt động thể lực


Mối liên hệ giữa sức khỏe và hoạt động thể lực từ lâu đã được công nhận và chứng minh. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng luyện tập có tác dụng đáng kể trong việc nâng cao thể trạng, giảm nguy cơ tử vong, cải thiện chất lượng cuộc sống. Theo thống kê của WHO, trong nhóm 20 nguyên nhân tử vong phổ biến do bệnh, bốn vị trí đứng đầu đều liên quan đến lối sống tĩnh tại. Một nghiên cứu được tiến hành trên những chiếc xe bus 2 tầng ở London, Anh đã chỉ ra mối quan hệ rõ ràng giữa mức độ vận động và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Sau ba năm theo dõi, các tài xế - những người hầu như chỉ ngồi yên một chỗ suốt cả ngày – có nguy cơ mắc bệnh mạch vành và bị nhồi máu cơ tim cao gấp 3 lần những người soát vé – những người phải leo trung bình 600 bậc thang một ngày. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy những người có chỉ số BMI cao mà chơi thể thao thường xuyên lại có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm thấp hơn những người có chỉ số BMI bình thường mà lười vận động.

Rèn luyện thể chất, bởi vậy đã được bổ sung vào quá trình điều trị của nhiều bệnh. Tuy nhiên, hiệu quả của luyện tập không giống nhau với tất cả mọi người. Các nghiên cứu chỉ ra rằng với cùng một chế độ luyện tập, có nhóm người đáp ứng cao, có nhóm đáp ứng trung bình, có nhóm đáp ứng thấp hoặc thậm chí là không đáp ứng. Do đó phải căn cứ vào khả năng đáp ứng riêng của từng người bệnh mà xây dựng một chế độ tập luyện phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất, tiết kiệm thời gian và sức lực.

Sự đáp ứng khác nhau của mỗi người với việc luyện tập được giải thích trên cơ sở di truyền. Các nhà khoa học đã phát hiện ra bằng việc phân tích một nhóm 11 gen, họ có thể xác định được hiệu quả của các bài tập đối với từng cá nhân. Ở một số người, kiểu gen của họ giúp cho việc hoạt động thể chất cải thiện sức khỏe của họ rõ rệt trong một thời gian ngắn, trong khi ở một số người khác có kiểu gen không phù hợp, hiệu quả rất thấp. Các nghiên cứu sâu hơn theo hướng đi này cũng hứa hẹn là có nhiều triển vọng, không chỉ giới hạn trong tác động của gen tới việc tập luyện mà cả hiệu quả của thuốc hay nguy cơ mắc một số bệnh như ung thư hay tim mạch.

Nội dung trình bày của giáo sư Carl Johan Sundberg đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của không chỉ đội ngũ các nhà chuyên môn mà cả các sinh viên có mặt trong hội trường. Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra và đều được giáo sư trực tiếp giải đáp. Trong đó tiêu biểu có câu hỏi của Giáo sư Phạm Thị Minh Đức - Tổng biên tập tạp chí Sinh lý học Việt Nam về vấn đề liệu có thể sử dụng xét nghiệm gene để “sàng lọc” ra những VĐV có tiềm năng đạt thành tích cao được không. Một câu hỏi khác do Tiến sĩ Trần Quang Bình - Trưởng labo sinh học phân tử Viện Vệ sinh dịch tễ - đặt ra cũng rất được quan tâm: liệu trong hoàn cảnh các xét nghiệm về gene hãy còn rất đắt đỏ, những nước đang phát triển như Việt Nam liệu có được hưởng lợi gì từ các phát hiện về mối liên hệ giữa gene với sức khỏe và luyện tập không.

 

Những người tham dự đặt câu hỏi với các giáo sư và nhận được sự trả lời nhiệt tình


Trả lời câu hỏi của Giáo sư Minh Đức, giáo sư CJ cho rằng điều đó là có thể trên lý thuyết. Tuy nhiên để xác định mức độ hiệu quả của việc luyện tập ở tầm cỡ vận động viên chuyên nghiệp phải liên quan tới 500 – 600 gen và như vậy thì sẽ rất phức tạp và tốn kém. Hiện nay trên thế giới người ta vẫn tìm kiếm những người có tố chất theo cách quan sát là chủ yếu, tức là xem xét các đặc điểm bề ngoài của một người và các thành viên trong gia đình để xác định xem người đó có thể có thế mạnh về môn thể thao nào. 

Với câu hỏi của Tiến sĩ Bình, giáo CJ cho rằng tuy trong hiện tại những nước như Việt Nam chưa thể hưởng lợi gì từ các phát hiện về gene và luyện tập nhưng với sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật, theo thời gian giá thành sẽ giảm dần đến một mức chấp nhận được. Mặt khác Việt Nam cũng không nên thụ động chờ đợi mà nên chủ động hợp tác với các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu về lĩnh vực này. Việc cộng tác rất được hoan nghênh và Việt Nam sẽ thu lợi trực tiếp và gián tiếp về nhiều mặt từ việc cộng tác đó.

 


TS. Lê Đình Tùng – Trưởng bộ môn Sinh lý học – Đại học Y Hà Nội tặng quà GS. Carl Johan Sundberg

 

Buổi Seminar kết thúc vào lúc 3h30 chiều cùng ngày.

Các tin cùng chủ đề